Đường dẫn truy cập

Nga tìm cách ‘xóa dấu vết’ trong vụ đánh bom bệnh viện nhi ở Ukraine


Nhân viên cứu hộ dọn dẹp đống đổ nát tại bệnh viện nhi Okhmatdyt ở Kyiv, Ukraine, ngày 9/7/2024.
Nhân viên cứu hộ dọn dẹp đống đổ nát tại bệnh viện nhi Okhmatdyt ở Kyiv, Ukraine, ngày 9/7/2024.

Khi vụ đánh bom bệnh viện nhi ở Kyiv đang bị lên án trên toàn thế giới, các quan chức Nga đã phủ nhận trách nhiệm về vụ tấn công và thậm chí còn cố gắng đổ lỗi cho Ukraine và các nước phương Tây ủng hộ Ukraine.

Cuộc tấn công hôm 8/7 vào bệnh viện Okhmatdyt diễn ra trong bối cảnh hàng loạt vụ tấn công trên khắp Ukraine khiến 43 người thiệt mạng, trong đó có trẻ em, và gần 200 người bị thương.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cực lực lên án vụ đánh bom và nói rằng Nga phải chịu trách nhiệm.

Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp hôm 9/7 liên quan đến các cuộc tấn công theo yêu cầu của các đồng minh của Kyiv.

Bà Joyce Msuya, quyền Phó Tổng thư ký Liên hiệp quốc về các vấn đề nhân đạo, nói với hội đồng: “Cố ý chỉ đạo các cuộc tấn công nhắm vào một bệnh viện được bảo vệ là một tội ác chiến tranh và những kẻ thủ phạm phải chịu trách nhiệm. ... Những sự kiện này là một phần của mô hình tấn công có hệ thống gây tổn hại sâu sắc đến hệ thống chăm sóc sức khỏe và cơ sở hạ tầng dân sự khác trên khắp Ukraine.”

‘Sát cánh cùng Ukraine’

Trong một tuyên bố đưa ra hôm 8/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi các cuộc tấn công này là “một sự nhắc nhở khủng khiếp về sự tàn bạo của Nga”.

Ông nói: “Điều quan trọng là thế giới tiếp tục sát cánh cùng Ukraine vào thời điểm quan trọng này và chúng ta không bỏ qua sự hung hăng của Nga”.

Phát ngôn viên Điện Kremlin, Dmitry Peskov, phủ nhận trách nhiệm của Nga về vụ tấn công, nói với các phóng viên trong cuộc họp báo hàng ngày hôm 9/7 rằng hãy nghe theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga, mà theo ông, “hoàn toàn không có các cuộc tấn công vào các mục tiêu dân sự” và rằng vụ việc là do một hệ thống chống phi đạn của Ukraine.

“Chúng tôi tiếp tục khẳng định rằng chúng tôi không tấn công các mục tiêu dân sự”, Reuters dẫn lời ông Peskov nói. “Các cuộc tấn công được thực hiện nhắm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng, vào các mục tiêu quân sự bằng cách này hay cách khác liên quan đến tiềm năng quân sự của chế độ.”

Về phần mình, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định bệnh viện nhi đã bị trúng phi đạn đất đối không do Ukraine bắn.

Cơ quan An ninh Ukraine, hay SBU, đã đăng những bức ảnh chụp tại địa điểm xảy ra vụ tấn công phi đạn, cho thấy những gì dường như là mảnh vỡ của phi đạn hành trình Kh-101 do Nga sản xuất. SBU cho biết các nhà điều tra của họ đã xác định rằng Nga là bên thực hiện vụ tấn công mà họ gọi là “tội ác chiến tranh”.

Câu chuyện về sự kiện này của SBU được củng cố bởi bà Danielle Bell, người đứng đầu Phái bộ Giám sát Nhân quyền của Liên hiệp quốc tại Ukraine.

“Việc phân tích đoạn phim và đánh giá được thực hiện tại hiện trường vụ việc cho thấy nhiều khả năng bệnh viện nhi bị trúng đạn trực tiếp chứ không phải chịu thiệt hại do hệ thống vũ khí nghênh cản”, Reuters dẫn lời bà.

Tuy nhiên, đại sứ Nga tại Hoa Kỳ, Anatoly Antonov, lặp lại tuyên bố của ông Peskov và bà Zakharova rằng Ukraine phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công bệnh viện và đồng thời ông cũng nhắm vào các đồng minh của Ukraine ở phương Tây.

Ông Antonov tuyên bố rằng “một phi đạn phòng không của Ukraine” đã bắn trúng bệnh viện, đồng thời gọi các phúc trình của Mỹ cho rằng vụ việc là do phi đạn hành trình của Nga là “sự hoảng loạn” và là một sự “tuyên truyền chống Nga điên cuồng”.

Ông Antonov viết trên Telegram: “Đây không phải là lần đầu tiên Kyiv đổ lỗi cho những tội ác man rợ của mình cho Liên bang Nga”. Ông nói thêm rằng cuộc tấn công xảy ra vào đêm trước hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington, được phương Tây coi là “một ‘món quà tuyệt vời’ để biện minh cho sự leo thang hơn nữa của cuộc xung đột và việc tiếp tục chiến tranh cho tới khi còn lại người Ukraine cuối cùng.”

Ông Antonov nói Hoa Kỳ nên ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Nhắc lại vụ rơi máy bay

Ông Volodymyr Fesenko, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Chính trị ở Kyiv, cho biết nỗ lực của các quan chức Nga nhằm đánh lạc hướng rất giống với cách các quan chức Nga phản ứng với vụ máy bay Boeing 777 của Malaysia Airlines bị bắn rơi bởi các lực lượng do Nga kiểm soát vào tháng 7 năm 2014 vốn đã giết chết tất cả 283 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn.

“Vào thời điểm đó, Nga đã nghĩ ra khoảng chục phiên bản rưỡi về những gì đã xảy ra, những điều cực kỳ khó tin,” ông Fesenko nói với VOA. “Họ lôi ra những nhân chứng lạ từ đâu đó để cố gắng chứng minh rằng chiếc Boeing đã bị phi đạn hoặc máy bay chiến đấu Ukraine bắn hạ. Điều chính là chuyển hướng sự chú ý ra khỏi sự kiện chính là sự dính líu của Nga, để rồi cuối cùng đội điều tra quốc tế xác định máy bay chở khách bị hệ thống phòng không Buk của Nga bắn hạ.

Vụ tấn công phi đạn của Nga hôm 8/7 vào Ukraine, khiến 7 người thiệt mạng tại một bệnh viện phụ sản và tấn công một tòa nhà dân cư ở Kyiv, là một nỗ lực có chủ ý của Tổng thống Vladimir Putin “nhằm làm mất tinh thần người Ukraine để họ muốn hòa bình bằng bất cứ giá nào” và “gây áp lực lên các đối tác phương Tây của Ukraine”, ông Fesenko nói.

“Ông Putin đang gửi tín hiệu rằng cần phải đàm phán hòa bình với ông ấy theo các điều kiện của ông ấy – ngừng cung cấp quân sự cho Ukraine, hạn chế khả năng tấn công Nga bằng những vũ khí này. Điều này được thực hiện cụ thể trước hội nghị thượng đỉnh NATO và đây là một nỗ lực nhằm gây áp lực tâm lý lên những người tham gia thượng đỉnh. Vì vậy, ông Putin biết mình đang làm gì”, ông Fesenko nói.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG