Đường dẫn truy cập

Mỹ kêu gọi Việt Nam ủng hộ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine


Theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Daniel J. Kritenbrink, phụ tá ngoại trưởng đặc trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, sẽ thăm Hà Nội từ ngày 21 đến 22/6/2024.
Theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Daniel J. Kritenbrink, phụ tá ngoại trưởng đặc trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, sẽ thăm Hà Nội từ ngày 21 đến 22/6/2024.

Hoa Kỳ hôm 20/6 kêu gọi Việt Nam ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine sau chuyến thăm của ông Vladimir Putin tới Hà Nội, một phần trong chuyến công du châu Á ngắn ngày của Tổng thống Nga nhằm tìm cách củng cố các liên minh trước các chế tài ngày càng gia tăng của phương Tây nhắm vào Moscow.

“Chúng tôi hy vọng rằng bất kỳ quốc gia nào, khi tham gia đối thoại với chính phủ Nga, và đặc biệt là khi tiếp đón các nhà lãnh đạo từ chính phủ Nga, sẽ thể hiện rõ sự tôn trọng của họ đối với các nguyên tắc của Hiến chương Liên hiệp quốc, bao gồm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, và truyền đạt rằng những nguyên tắc đó phải được duy trì trên toàn thế giới,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói với đài VOA trong cuộc họp báo hôm 20/6.

Nhà ngoại giao Mỹ tới Hà Nội

Trong khi đó, nhà ngoại giao hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ về châu Á đang tới Hà Nội để tái khẳng định mối quan hệ sau khi Mỹ và Việt Nam nâng cấp mối quan hệ song phương vào năm ngoái.

Theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao, ông Daniel J. Kritenbrink, phụ tá ngoại trưởng đặc trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, sẽ tới Hà Nội từ ngày 21 đến 22 tháng 6.

Ông Kritenbrink sẽ gặp các quan chức cấp cao của chính phủ Việt Nam “để nhấn mạnh cam kết mạnh mẽ của Hoa Kỳ trong việc thực hiện Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam và hợp tác với Việt Nam để hỗ trợ một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở,” thông cáo cho biết.

Ông Miller nói chuyến đi của ông Kritenbrink đã được lên kế hoạch “rất lâu trước” chuyến thăm Hà Nội của ông Putin.

Việt Nam duy trì ba cấp độ quan hệ ngoại giao với các nước: Quan hệ đối tác toàn diện; Quan hệ đối tác chiến lược; và Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga nằm trong số những quốc gia duy trì quan hệ cấp cao với Việt Nam.

Các quan chức Mỹ không có đánh giá, khi được các phóng viên hỏi, liệu có dấu hiệu nào cho thấy các công ty hoặc người Việt Nam đang hỗ trợ vật chất cho Moscow trong cuộc chiến với Ukraine hay không, hoặc liệu Washington có cảnh cáo Hà Nội chớ có làm điều đó hay không.

Tại Toà Bạch Ốc, ông John Kirby, cố vấn truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia, nói với các phóng viên rằng Hoa Kỳ sẽ “tập trung vào việc tiếp tục làm sâu sắc hơn” Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Việt Nam và “mở rộng, cải thiện mối quan hệ này vì lợi ích chung của chúng ta đối với mỗi bên và với khu vực.”

Chuyến thăm Triều Tiên của ông Putin

Hôm 20/6, Nga và Việt Nam đã cam kết tăng cường quan hệ trong chuyến thăm cấp nhà nước của ông Putin nhằm củng cố các liên minh của ông để chống lại những nỗ lực của phương Tây hầu cô lập Moscow trong cuộc chiến ở Ukraine.

Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm nói với các phóng viên sau cuộc hội đàm với ông Putin rằng Nga và Việt Nam “mong muốn thúc đẩy hợp tác về quốc phòng, an ninh, giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống trên cơ sở luật pháp quốc tế, vì hòa bình, an ninh trong khu vực và trên thế giới”.

Ông Putin đã tới Việt Nam, một đồng minh thân cận của Moscow kể từ Chiến tranh Lạnh, sau cuộc hội đàm ở Bình Nhưỡng với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Nga-Triều đã ký một hiệp ước phòng thủ chung.

Ông William Courtney, thành viên cấp cao của tổ chức Rand Research, nói về chuyến đi của ông Putin tới Việt Nam trong bối cảnh Nga đang có cuộc chiến ở Ukraine và Nga ngày càng bị cô lập vì cuộc chiến đó.

Ông Courtney nói: “Chắc chắn Việt Nam phụ thuộc vào Nga về dầu mỏ, thiết bị quân sự và một số công nghệ”. “Tuy nhiên, Việt Nam dường như đang cố gắng có khoảng mở rộng của mình để tìm kiếm các hướng khác cho thiết bị quân sự. Một lý do có thể là Việt Nam nhận thấy nhiều thiết bị quân sự của Nga hoạt động kém ở Ukraine”.

Tại Washington, Dân biểu Đảng Cộng hòa Mike Turner, chủ tịch Ủy ban Tình báo Thường trực của Hạ viện Hoa Kỳ, bày tỏ quan ngại về khả năng Nga cung cấp cho Triều Tiên hỗ trợ công nghệ để cải thiện phi đạn đạn đạo tầm xa và khả năng tấn công trực tiếp nhắm vào Hoa Kỳ.

“Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều trực giác cảm nhận được rằng Trung Quốc, Nga, Triều Tiên, Iran đang hợp tác cùng nhau trong việc phát triển năng lực cũng như trong việc đe dọa Hoa Kỳ. Tôi nghĩ những cuộc gặp mang tính biểu tượng này sẽ cho phép chúng ta tập trung vào vấn đề này như một mối đe dọa đã và đang xảy ra”, ông Turner nói trong một sự kiện tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington.

Diễn đàn

Liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG