Đường dẫn truy cập

Nghiên cứu: Châu Á, châu Phi chịu hậu quả nặng nề về sức khỏe do tình trạng ô nhiễm


Ô nhiễm không khí ở Jakarta, Indonesia, ngày 23/8/2023.
Ô nhiễm không khí ở Jakarta, Indonesia, ngày 23/8/2023.

Hôm 29/8, một nghiên cứu mới cho thấy bất chấp những cải thiện ở Trung Quốc, ô nhiễm không khí trên toàn cầu vẫn tiếp tục gây ra rủi ro bên ngoài lớn nhất đối với sức khỏe con người, trong đó các nước ở châu Á và châu Phi chịu phần lớn tác động, theo Reuters.

Viện Chính sách Năng lượng của Đại học Chicago (EPIC) cho biết trong báo cáo về Chỉ số chất lượng không khí đáng sống hàng năm (AQLI) rằng khoảng 3/4 các tác động tiêu cực từ ô nhiễm không khí lên sức khỏe tập trung ở 6 quốc gia - Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc, Nigeria và Indonesia.

Báo cáo ước tính nếu như các hạt nguy hiểm trong không khí được gọi là PM2.5 được giảm xuống mức do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị, tuổi thọ trung bình sẽ tăng thêm 2,3 năm trên toàn thế giới, giúp có thêm tổng cộng 17,8 tỷ năm tuổi thọ.

Trong khi mức độ ô nhiễm trung bình trên thế giới giảm nhẹ trong thập kỷ qua, hầu hết sự cải thiện này đều ở Trung Quốc, nơi mà “cuộc chiến chống ô nhiễm” kéo dài 10 năm đã chứng kiến ​mật độ PM2.5 giảm hơn 40% kể từ năm 2013.

Bà Christa Hasenkopf, giám đốc AQLI cho biết: “Trong khi Trung Quốc đã đạt được thành công đáng kể trong cuộc chiến chống ô nhiễm không khí thì xu hướng ở các nơi khác trên thế giới lại đang đi theo hướng ngược lại”.

Bà cho biết, mật độ PM2.5 ở Nam Á đã tăng gần 10% kể từ năm 2013, khiến tuổi thọ trung bình trong khu vực giảm khoảng 5 năm. Tiêu thụ năng lượng ngày càng tăng ở miền trung và miền tây châu Phi cũng biến ô nhiễm ở dạng hạt bụi li ti thành mối đe dọa sức khỏe ngày càng tăng ngang bằng HIV/AIDS và sốt rét.

Hầu như toàn bộ khu vực Đông Nam Á hiện nay được coi là có “mức độ ô nhiễm không an toàn”, với tuổi thọ trung bình bị giảm 2-3 năm.

Mật độ PM2.5 trung bình của Trung Quốc đứng ở mức 29 microgam/m3 vào năm 2022, nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với khuyến nghị của WHO là 5 microgam.

Vẫn theo báo cáo này, ô nhiễm không khí gia tăng có thể làm giảm tuổi thọ hơn 5 năm của mỗi người ở Nam Á, một trong những khu vực ô nhiễm nhất thế giới, đánh dấu gánh nặng ngày càng tăng của không khí độc hại đối với sức khỏe.

Công nghiệp hóa nhanh chóng và tăng trưởng dân số đã góp phần làm giảm chất lượng không khí ở Nam Á, nơi mức độ ô nhiễm dạng hạt li ti hiện cao hơn 50% so với đầu thế kỷ và hiện đang làm lu mờ những mối nguy hiểm do các mối đe dọa sức khỏe lớn hơn gây ra.

Người dân ở Bangladesh, quốc gia ô nhiễm nhất thế giới, có thể mất đi trung bình 6,8 năm tuổi thọ/ người, so với 3,6 tháng ở Hoa Kỳ, vẫn theo nghiên cứu, sử dụng dữ liệu vệ tinh để tính toán tác động của việc gia tăng hạt bụi mịn trong không khí đối với tuổi thọ.

Báo cáo cho biết Ấn Độ gây nên khoảng 59% mức độ ô nhiễm gia tăng trên thế giới kể từ năm 2013, cùng lúc, không khí độc hại có nguy cơ rút ngắn cuộc sống hơn nữa ở một số khu vực ô nhiễm hơn của đất nước này.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG