Đường dẫn truy cập

Ở Việt Nam, ‘thể chế’ là... quái thú bất trị! (P2)


Ba nhân vật lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam. Từ trái: Tân chủ tịch nước, Lương Cường, thủ tướng Phạm Minh Chính, tổng bí thư Tô Lâm.
Ba nhân vật lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam. Từ trái: Tân chủ tịch nước, Lương Cường, thủ tướng Phạm Minh Chính, tổng bí thư Tô Lâm.

Gần như ai cũng biết thể chế là phương thức tổ chức, quản trị, điều hành quốc gia dựa trên hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Không phải tự nhiên mà thiên hạ xếp Việt Nam vào nhóm quốc gia theo thể chế độc đảng – đảng CSVN giành, giữ quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối về mọi mặt – và chính quyền Việt Nam thường xuyên bị cả ngoài lẫn trong chỉ trích vì độc đoán, khắc nghiệt.

Đó dường như là lý do 14 năm vừa qua, các viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ra rả về chuyện phải “đột phá” để “đổi mới” và “hoàn thiện”... “thể chế”. Đáng lưu ý là những tuyên bố đôi khi nảy lửa về “thể chế”, xem “thể chế” như... “nút thắt[1], hay “điểm nghẽn[2], thậm chí “điểm nghẽn của điểm nghẽn[3] đều thuộc loại bỏ gốc lấy... ngọn để che mắt mọi người!

Chưa rõ do hiểu biết hạn chế hay cố tình gieo hy vọng nơi hàng trăm triệu người càng ngày càng bất bình vì đủ loại bất toàn ở hiện tại, không thấy lối thoát ở tương lai, những viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đã diễn giải “thể chế” chỉ như là các quy định liên quan đến kinh tế, xây dựng,... Nhờ có đảng CSVN, đời mới có thêm những phát kiến kiểu như... “thể chế về rác thải nhựa[4]!

Còn gì khôi hài hơn chuyện Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nhà nước (CTNN) vừa xác định “thể chế” là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Đề nghị: Quốc hội phải đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động theo tinh thần nghị quyết của BCH TƯ đảng khóa này về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới... nhưng ngay sau đó, nhờ... báo đăng, dân chúng Việt Nam mới biết họ vừa có tân CTNN!

Chẳng phải chỉ có thường dân, những người quan tâm đến hiện tình chính trị Việt Nam và các cơ quan truyền thông quốc tế luận bàn - tại sao ông Lương Cường, tân CTNN lại tuyên thệ nhậm chức trong khi không thấy thông tin nào về việc Quốc hội sẽ và đã miễn nhiệm vai trò CTNN của Tổng bí thư Tô Lâm (?), ngay cả phóng viên chuyên về chính trị của một trong những tờ báo hàng đầu ở Việt Nam cũng chỉ có thể phỏng đoán như vầy trên mạng xã hội: Theo các quy định của đảng, hiến pháp và pháp luật, chắc chắn Quốc hội đã tiến hành thủ tục miễn nhiệm chức Chủ tịch nước đối với đại tướng Tô Lâm. Đây là thủ tục bình thường theo các quy định hiện hành. Lẽ ra, cơ quan chịu trách nhiệm về truyền thông, thông tin của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phải thông báo kịp thời để cử tri và nhân dân được biết [5].

Nếu ông Tô Lâm thực sự sốt ruôt vì “thể chế” là “điểm nghẽn của điểm nghẽn” và muốn giải quyết vấn nạn này, nếu BCH TƯ đảng khóa này thực tâm khi soạn và công bố Nghị quyết 27/NQ-TW hồi tháng 11/2022 nhằm yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới” thì... làm gì có chuyện quái dị như vừa đề cập?

Thể chế” như đã biết và đang thấy tạo ra thực trạng, trong vòng ba năm chín tháng (1/2021 – 10/2024), Việt Nam có năm lần đổi CTNN: Nguyễn Phú Trọng (miễn nhiệm 4/2021), Nguyễn Xuân Phúc (từ chức 1/2023), Võ Văn Thưởng (từ chức 3/2024), Tô Lâm (miễn nhiệm 10/2024), Lương Cường. Đó là thành quả hay hậu quả của “đột phá chiến lược”, tháo gỡ “nút thắt”, giải quyết “điểm nghẽn” nhắm vào... “thể chế”?

***

Nếu “đột phá chiến lược” vào “thể chế” thành công, sẽ có bao nhiêu người Việt muốn bỏ phiếu chọn ông Tô Lâm - Nghi can trong vụ tổ chức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh năm 2017 và đến tháng 5 năm nay Slovakia mới có ý định đình chỉ điều tra bởi nghi can vừa trở thành CTNN Cộng hòa XHCN Việt Nam [6]. Người chỉ đạo cuộc tấn công vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội năm 2020. Năm 2021 thì trở thành đề tài đàm tiếu trên hệ thống truyền thông quốc tế vì thưởng thức “bò dát vàng 24K” có giá từ 1.140 Mỹ kim đến 2.015 Mỹ kim khi đến “công tác” tại London [7] trong khi thu nhập bình quân của một người Việt chỉ khoảng 184 Mỹ kim/tháng [8]. Nhân vật phải chịu trách nhiệm về hoạt động và hiệu quả của lực lượng công an nhân dân – làm nguyên thủ quốc gia?

Không có “thề chế” là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, ông Tô Lâm có thể rũ bỏ trách nhiệm trong vụ Mobifone mua lại 95% cổ phần của Công ty Nghe nhìn Toàn cầu (AVG)? Trong thương vụ vừa đề cập, giá trị thực của AVG chỉ chừng 1.900 tỉ đồng nhưng nhiều bên, trong đó có Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an…, cùng giúp sức để AVG nâng giá trị lên thành 8.900 tỉ.

Trong KLTT vụ Mobifone dùng công quỹ mua 95% cổ phần của AVG với giá cao hơn giá trị thực 7.000 tỉ, Thanh tra Chính phủ (TTCP) xác định, việc Bộ Công an phát hành ba văn bản: “Công văn 4352/BCA-A81 ngày 08/12/2014, Công văn 418/BCA-TCAN ngày 9/3/2015, Công văn 2889/BCA-A61 ngày 21/12/2015 là không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định[9]. Những công văn vừa kể đã mở đường cho Mobifone mua AVG với giá cao bởi Bộ Công an nhắc nhở “hạ tầng truyền dẫn phát sóng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chính trị”, nếu AVG muốn chuyển nhượng thì doanh nghiệp nhà nước phải nhận chứ không thể để nhà đầu tư ngoại quốc nắm những cổ phần này. Cả ba công văn của Bộ Công an mà TTCP đề cập đều do Thượng tướng Tô Lâm ký và tự xếp chúng vào loại “Mật” hoặc “Tối mật” để không ai dám bình phẩm [10].

Đó cũng là lý do TTCP kiến nghị: Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân thuộc Bộ Công an trong việc tham mưu ban hành ba văn bản tham gia ý kiến với Bộ TTTT nêu tại điểm 6 Mục II... Tuy nhiên cuối cùng, chỉ có những Nguyễn Bắc Son (Ủy viên BCH TƯ đảng, cựu Bộ trưởng TTTT) bị phạt tù chung thân, Trương Minh Tuấn (Ủy viên BCH TƯ đảng, Bộ trưởng TTTT) bị phạt 14 năm tù,... còn ông Tô lâm vẫn lừng lững bước tới để nâng mức độ phê phán “thể chế” từ “nút thắt”, “điểm nghẽn” thành “điểm nghẽn của điểm nghẽn” và dẫn dắt hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam tiếp tục công cuộc “đột phá chiến lược” vào... “thể chế”! Ở Việt Nam, “thế chế” khác gì quái thú. Muốn trị? Còn khuya! Có ai lấy đá để tự ghè chân của mình?

Chú thích

[1] https://vneconomy.vn/thu-tuong-nut-that-lon-nhat-han-che-su-phat-trien-la-the-che-nut-that-ve-tu-duy.htm

[2] https://baodautu.vn/ong-vo-van-thuong-the-che-chinh-sach-nguon-luc-la-diem-nghen-lon-trong-phat-trien-van-hoa-d180401.html

[3] https://www.sggp.org.vn/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-the-che-la-diem-nghen-cua-diem-nghen-post764593.html

[4] https://cebid.vn/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-can-co-the-che-voi-van-de-rac-thai-nhua/

[5] https://www.facebook.com/kien.sut/posts/pfbid02DhddZuauPbXuENrTrqSQJyv9gW63hN8rpBEYgCbHcKevESEXfnDodNxQvChQkBUDl

[6] https://spectator.sme.sk/c/23336677/vietnamese-president-charges-slovakia.html

[7] https://www.bbc.com/news/world-asia-59174383

[8] https://www.abc.net.au/news/2021-11-06/salt-bae-gold-leaf-steak-vietnam-security-minister-to-lam/100599898

[9] https://thanhtra.com.vn/thanh-tra/hoat-dong-nganh/Thanh-tra-Chinh-phu-cong-bo-ket-luan-thuong-vu-MobiFone-mua-AVG-131455.html

[10] https://baotiengdan.com/2022/12/27/su-nghiep-cua-hai-pho-thu-tuong-pham-binh-minh-va-vu-duc-dam-cham-dut-phan-2/

  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG