Đường dẫn truy cập

FireEye: Tin tặc Bắc Triều Tiên trộm hàng trăm triệu đô


Những hoạt động tin tặc của Bắc Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh chính quyền độc tài của ông Kim Jong Un đã có những bước chuyển lớn trong chính sách ngoại giao, mở cửa ra với thế giới. (Hình minh hoạ)
Những hoạt động tin tặc của Bắc Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh chính quyền độc tài của ông Kim Jong Un đã có những bước chuyển lớn trong chính sách ngoại giao, mở cửa ra với thế giới. (Hình minh hoạ)

Bắc Triều Tiên có thể đã ngừng thử nghiệm tên lửa đạn đạo hay vũ khí hạt nhân, nhưng các hoạt động tin tặc nhằm thu thập thông tin tình báo và các nguồn lợi tài chính phục vụ cho chính thể độc tài này vẫn rất sôi động.

Công ty an ninh mạng của Mỹ, FireEye, hôm thứ Tư (03/10) cảnh báo về việc một nhóm tin tặc Bắc Triều Tiên mà họ tố cáo đã trộm hàng trăm triệu đô la bằng cách đột nhập vào hệ thống máy tính của hàng loạt ngân hàng trên thế giới kể từ năm 2014, thông qua những cuộc tấn công tin tặc cực kì tinh vi và có tính phá hoại cao, nhắm vào ít nhất nhất là 11 quốc gia.

FireEye cho biết nhóm tin tặc này vẫn đang hoạt động và là một “mối đe dọa toàn cầu”. Đây là một phần của một mạng lưới các chiến dịch tấn công tin tặc do chính phủ Bình Nhưỡng chống lưng từng khiến chính quyền Mỹ liệt kê Bắc Triều Tiên cùng với Iran, Nga và Trung Quốc vào danh sách những mối đe dọa trên Internet đối với Hoa Kỳ.

Hồi tháng trước, Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ truy tố một tin tặc Bắc Triều Tiên bị tố cáo tham gia vào một loạt các cuộc tấn công tin tặc gây hậu quả nghiêm trọng, bao gồm việc lấy trộm 81 triệu đô la của ngân hàng trung ương Bangladesh và phát tát virus WannaCry khiến Dịch vụ Chăm sóc sức khỏe Quốc qua của Anh tê liệt một phần.

Hôm thứ Ba (03/10), Bộ Nội an Hoa Kỳ ra khuyến cáo về việc sử dụng mã độc do Hidden Cobra thực hiện, đánh lừa các máy rút tiền ATM của nhiều ngân hàng trên khắp Châu Á và Châu Phi. Hidden Cobra là tên gọi mà chính phủ Mỹ ám chỉ các tin tặc Bắc Triều Tiên.

Tin nói Hidden Cobra đứng đằng sau các vụ trộm hàng chục triệu đô la từ các máy rút tiền trong suốt hai năm qua. Trong một sự việc trong năm nay, tiền mặt đã bị rút đồng thời từ các máy ATM trên 23 quốc gia khác nhau.

Bắc Triều Tiên, quốc gia vốn ngăn chặn hầu hết mọi người dân kết nối với Internet, trước đây đã từng lên tiếng phủ nhận có liên quan đến các vụ tấn công tin tặc và hiếm khi sự quy kết trách nhiệm các cuộc tấn công như thế được đưa ra với sự đoan chắc tuyệt đối.

Tuy nhiên các chuyên gia an ninh mạng cho hãng tin AP biết rằng họ cũng thấy những dấu hiệu liên tiếp cho thấy chính quyền toàn trị Bắc Triều Tiên đang thực hiện những hoạt động phạm pháp trên mạng. Những hoạt động này bao gồm việc tấn công các định chế tài chính và các tổ chức có liên quan tới tiền ảo, cũng như do thám các đối thủ, bất chấp căng thẳng đang lắng dịu giữa Bình Nhưỡng và Washington.

Những hoạt động tin tặc của Bắc Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh chính quyền độc tài của ông Kim Jong Un đã có những bước chuyển lớn trong chính sách ngoại giao, mở cửa ra với thế giới. Ông Kim đã tham gia các cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Donald Trump, người đang hi vọng có thể thuyết phục ông Kim giải giáp kho vũ khí hạt nhân vốn có thể gây ra mối đe doạ với lục địa Mỹ. Cẳng thẳng đã dịu bớt trên bán đảo Triều Tiên, và nguy cơ chiến tranh với Hoa Kỳ đã xuống thang. Cuối tuần này, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo sẽ có chuyến thăm lần thứ 4 tới Bình Nhưỡng để bàn về vấn đề phi hạt nhân hóa.

Tuy nhiên, phía Bình Nhưỡng vẫn chưa có những bước đi cụ thể trong việc từ bỏ kho vũ khí hạt nhân, vậy nên các lệnh trừng phạt kinh tế nhắm vào Bình Nhưỡng vẫn chưa được dỡ bỏ, khiến cho nước này không tiếp cận được với nguồn tiền mặt cũng như hệ thống ngân hàng thế giới.

VOA Express

XS
SM
MD
LG