Đường dẫn truy cập

Truy tố ông Trump: tin hay không tin vào nền tư pháp Mỹ?


Cựu tổng thống Donald Trump phát biểu với người ủng hộ sau khi bị truy tố
Cựu tổng thống Donald Trump phát biểu với người ủng hộ sau khi bị truy tố

Mặc dù đa số cử tri Mỹ gốc Việt ở cả hai đảng đều tin nền tư pháp Mỹ nhìn chung vẫn độc lập, công bằng, nhưng riêng trong vụ truy tố ông Trump, nhiều cử tri Cộng hòa cho rằng ‘có điều mờ ám’ trong khi các cử tri Dân chủ vẫn tin tưởng hoàn toàn, theo tìm hiểu của VOA.

Cựu Tổng thống Donald Trump bị chánh biện lý Alvin Bragg phát lệnh truy tố hôm 30/3 về việc trả tiền bịt miệng cho một ngôi sao khiêu dâm trong giai đoạn tranh cử hồi năm 2016 thông qua luật sư của ông là Michael Cohen. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, một cựu tổng thống bị truy tố hình sự.

Vụ việc này đã làm dấy lên nhiều lời công kích nhằm vào hệ thống tư pháp Mỹ từ phía những người ủng hộ ông Trump. Một ủng hộ viên gốc Việt nhiệt thành của Trump nói với VOA rằng trong vụ truy tố này, cơ quan tư pháp ở New York ‘thể hiện sự thiên kiến, chuyên chế, độc tài như ở chế độ cộng sản’.

Cơ chế ‘tam quyền phân lập’ với nguyên tắc nền tư pháp hoạt động độc lập, không ai có thể can thiệp, là một trong những nền tảng cốt lõi của nền dân chủ nước Mỹ kể từ khi lập quốc đến nay.

‘Có dấu hiệu can thiệp’

Là người đi theo Đảng Cộng hòa, ông Nguyễn Tường Tuấn, vốn chuyên dạy kỹ năng sống ở Chicago, Illinois, nói ông ‘vẫn có niềm tin vững mạnh vào Hiến pháp Mỹ’ và tin rằng ‘hệ thống tư pháp Mỹ là độc lập, không bị chi phối’.

Nhưng ông chỉ ra trong vụ truy tố ông Trump ‘có một vài dấu hiệu cho thấy có sự can thiệp của chính quyền (của Đảng Dân chủ)’.

“Tôi mất niềm tin vào vai trò của đại bồi thẩm đoàn. Nếu anh ngồi đó mà bằng chứng chỉ cho anh thấy những cái gì mà phía ông Bragg muốn mà không cho thấy toàn bộ bức tranh thì nếu đại bồi thẩm đoàn quyết định sai thì cũng đúng thôi,” ông Tuấn phân tích (16:35)

Quyết định truy tố ông Trump là của đại bồi thẩm đoàn gồm 12 người thuộc nhiều thành phần khác nhau và tất cả 12 thành viên này phải đồng thuận truy tố sau khi nghe ông Alvin Bragg đưa ra các bằng chứng và nhân chứng buộc tội ông Trump.

Ông Tuấn đặt nghi vấn tại sao chánh biện lý Manhattan ‘chỉ đưa ra 6 trong tổng số hơn 300 email để đại bồi thẩm đoàn xem xét’. Trong khi đó ông Bob Costello, luật sư ông Michael Cohen, người ra khai chứng chống lại ông Trump, đã nói trong số những email đó, có những email nói rõ rằng ông Trump không chỉ đạo ông Cohen chi tiền bịt miệng, thì ‘không trình ra cho đại bồi thẩm đoàn’, ông Tuấn bức xúc.

Nhìn rộng hơn, ông Tuấn đặt vấn đề ‘chính quyền của ông Joe Biden có dấu hiệu can thiệp vào nhánh tư pháp’. Ông dẫn chứng là trong vụ bạo loạn ở Điện Capitol ngày 6/1 năm 2021 của những người ủng hộ ông Trump, ‘trên thực tế cảnh sát mở cửa cho họ vào mà họ lại bị xem là những người làm loạn’.

“Cứ nhìn vào những việc làm của Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland sẽ thấy thôi. Khi khám nhà ông Trump thì ồn ào, tung hết lực lượng cứ như là đi bắt quân gian nhưng đến khi khám nhà tổng thống đương nhiệm thì êm đềm nhẹ nhàng,” ông Tuấn chỉ ra để chứng minh rằng Bộ Tư pháp ‘đã bị can thiệp’.

Ông nhấn mạnh nhiệm vụ của chánh biện lý ‘không phải là truy tố chuyện nhỏ của ông Trump mà là truy tố các tội phạm để giúp cho địa phương của ông được an toàn’ và chỉ ra trong thời gian vận động cho chức chánh biện lý, ông Alvin Bragg từng ‘hứa là sẽ truy tố Trump bằng mọi cách để kiếm phiếu của cử tri’.

“Họ muốn bới lông tìm vết để kiếm chuyện với ông Trump. Tại sao vụ việc đã trôi qua lâu rồi trong khi không có tình tiết gì làm cho tội nặng hơn mà lại đi truy tố?” ông đặt vấn đề và cho rằng vụ truy tố này ‘là âm mưu của phe Dân chủ’ mà ông cho là ‘sẽ đem lại hậu quả lớn cho nền tư pháp Mỹ’.

Về phần mình, ông Tuấn tin là ông Trump ‘không hề hay biết việc Michael Cohen chi tiền bịt miệng cho cô Stormy Daniels’ và ông Trump ký séc thanh toán cho ông Cohen ‘chỉ vì nghĩ đó là chi phí pháp lý bình thường mà luật sư kêu ông trả thì ông trả thôi’.

‘Không mang tính đảng phái’

Giáo sư Toán Nguyễn Đình Minh Quốc ở Houston, Texas, một cử tri Dân chủ, nói với VOA rằng nhìn việc truy tố dưới con mắt đảng phái là ‘rất trẻ con’.

“Nếu nói một người Dân chủ không công bằng khi truy tố một người Cộng hòa thì một biện lý Cộng hòa cũng không thể đưa một người Dân chủ ra xử hay sao?” ông lập luận. “Không thể mình đã làm sai mà người ta truy tố mình thì lại nói rằng không được vì ông khác đảng của tôi.’

Ông chỉ ra rằng ông Trump ‘đã phạm rất nhiều tội’ mà trải qua bao nhiêu cuộc điều tra và luận tội ‘vẫn được Đảng Cộng hòa che chở nên không bị phế truất’.

“Bây giờ ông Trump có cơ hội chứng minh là mình không có tội trước bồi thẩm đoàn không mang tính đảng phái được luật sư cả hai bên Cộng hòa và Dân chủ lựa chọn,” ông Quốc chỉ ra.

“Những hành động của ông ta làm nếu thực sự là ông ta không có tội thì khi đưa ra tòa, tòa sẽ xét xử,” ông nói.

Trả lời câu hỏi liệu đại bồi thẩm đoàn có bị ông Alvin Braggs thao túng hay không, ông Quốc nhấn mạnh để thông qua được quyết định truy tố ông Trump, tất cả 12 người trong đại bồi thẩm đoàn ‘đều phải đồng ý hết’.

“Luật pháp đã quy định nếu công tố viên có đủ bằng chứng thì sẽ triệu tập đại bồi thẩm đoàn để xem xét. Điều đó áp dụng cho tất cả mọi người từ trước đến giờ chứ đâu có gì khác với Trump đâu?” ông lập luận.

Theo lời ông thì khi chánh biện lý quyết định đưa trường hợp của ông Trump ra đại bồi thẩm đoàn để bàn truy tố thì họ phải có bằng chứng ‘chắc thắng 100%’. “Đó là lý do tại sao trước đây Bộ Tư pháp liên bang không đưa Trump ra truy tố vì không đủ bằng chứng,” vị giáo sư toán này giải thích.

Ông phản bác lại ý kiến cho rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden can thiệp vào hoạt động của cơ quan tố tụng, cho rằng đó là ‘sự ngược ngạo’.

“Ai là người đã đánh phá nền dân chủ Mỹ?” ông chỉ trích chính quyền Trump. “Ai là người buộc Bill Barr (Bộ trưởng Tư pháp dưới thời Trump) thực hiện những mưu đồ của mình một cách trắng trợn?”

Khi được hỏi về lập luận phe Dân chủ ‘có động cơ ngáng đường ông Trump’ để ông không ra tranh cử một lần nữa, ông Quân mỉa mai: “Cá nhân tôi và nhiều người bên Dân chủ còn cầu mong cho Trump ra tranh cử nữa là. Khi còn là tổng thống ông ta kiểm soát tất cả mọi thứ còn thua huống hồ bây giờ bị phơi bày mọi sự xấu xa như thế.”

Do đó ông nói ông hoàn toàn tin tưởng vào tính độc lập của hệ thống tư pháp Mỹ và kêu gọi nếu ai cáo buộc phe Dân chủ can thiệp trong việc truy tố ông Trump ‘thì hãy trưng bằng chứng ra chứ đừng nói miệng’.

“Nếu ông Trump ra tòa mà được xử trắng án thì vẫn ra tranh cử được mà,” ông Quốc lập luận. “Nếu tôi là ông Trump và tôi có đủ bằng chứng chứng tỏ mình vô tội thì có gì mà sợ?”

‘Bên nào cũng có lý’

Trao đổi với VOA từ California, Luật sư Nguyễn Quốc Lân nói rằng cả hai phe ‘đều có lý như nhau’ và ‘lập luận bên nào cũng đúng’. “Đúng sai thế nào tùy quan điểm người nhìn,” ông nói.

Phân tích về đại bồi thẩm đoàn, ông Lân nói mặc dù ‘không thể coi thường’ nhưng ‘đó là một nhóm những người dân thường đi theo sự dẫn dắt của biện lý’.

“Anh một mình một chợ, anh đưa nhân chứng ra, trình bày chứng cớ, không có ý kiến khác biệt, không có ai cãi lại, không có ý kiến của bên biện hộ cho ông Trump nên cuối cùng cho dù anh có bảo họ truy tố ai thì họ cũng truy tố,” vị luật sư này phân tích, ý nhắc đến chánh biện lý Alvin Bragg.

Cũng như ông Quân, luật sư Lân tin rằng bên công tố có cơ sở vững mạnh ‘đến mức chắc thắng’ thì mới đưa ra truy tố vì nếu họ thua thì ‘danh tiếng của họ sẽ bị ném xuống bùn’.

Theo ông thì việc truy tố ông Trump có tác dụng tốt vì nếu không làm sẽ tạo ra ấn tượng rất xấu là ‘cựu tổng thống làm gì sai cũng không bị pháp luật rờ tới trong khi dân thường đã bị đi tù từ đời nào rồi’.

Ngược lại, nó cũng khiến mọi người nghĩ là ‘có thể dùng luật pháp để chèn ép đối thủ chính trị’. “Đó là hậu quả tiêu cực,” ông phân tích.

“Khi mà truy tố ai, người ta phải luôn cân nhắc chuyện này có nghĩa là gì, nó gây ấn tượng như thế nào, mặc dù luật pháp rất là công minh, luật là luật, trắng là trắng, đen là đen,” ông nói.

Do đó, ông cho rằng khi cân nhắc hậu quả thì ‘có sự phân biệt đối xử’ trong việc truy tố và dẫn ra trường hợp cựu Tổng thống Richard Nixon vi phạm pháp luật trong vụ Watergate nhưng sau khi cân nhắc thì ông đã từ chức để khỏi bị truy tố và sau đó được người kế nhiệm là ông Gerald Ford ân xá.

“Việc truy tố một tổng thống gây ấn tượng không tốt cho đất nước,” vị luật sư này nói.

Ông nói ‘không có bằng chứng chính quyền Biden hay Đảng Dân chủ tác động lên vụ truy tố này’ và bản thân ông ‘vẫn tôn trọng tính độc lập của nền tư pháp Mỹ’.

“Rõ ràng không ai trong chính quyền các cấp, cho dù thuộc Cộng hòa hay Dân chủ, có quyền ra lệnh cho Alvin Bragg phải điều tra hay ngừng điều tra vụ này. Ngay cả Quốc hội cũng không có quyền. Quốc hội có thể đặt câu hỏi nhưng biện lý không có nghĩa vụ phải giải trình,” ông chỉ ra.

“Tam quyền phân lập vẫn đảm bảo. Hành pháp và lập pháp không ai có thể can thiệp vào công việc của tư pháp,” ông nói thêm.

Về quan điểm cá nhân, mặc dù luật sư Nguyễn Quốc Lân nói ông ‘đồng ý ngang ngửa với lập luận của cả hai bên’, nhưng ‘49% hướng về phía truy tố, còn 51% hướng về phía không truy tố’.

“Luật pháp phải công bằng nhưng về lâu dài phải xét về tác động của việc truy tố,” ông giãi bày.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG