Đường dẫn truy cập

Việt Nam bác bỏ thông tin từ Trung Quốc về lực lượng dân quân biển


Các tàu cá neo gần đảo Lý Sơn ở Quảng Ngãi. Báo China Daily của Trung Quốc nói Việt Nam đang xây dựng một lực lượng dân quân tự vệ biển có vũ trang nhưng Việt Nam đã bác bỏ thông tin này.
Các tàu cá neo gần đảo Lý Sơn ở Quảng Ngãi. Báo China Daily của Trung Quốc nói Việt Nam đang xây dựng một lực lượng dân quân tự vệ biển có vũ trang nhưng Việt Nam đã bác bỏ thông tin này.

Bộ Ngoại giao ở Hà Nội vừa lên tiếng bác bỏ những thông tin mà họ cho là “sai lệch” từ phía Trung Quốc về việc Việt Nam đang xây dựng lực lượng dân quân tự vệ trên biển có vũ trang với nguy cơ gây ra xung đột, theo truyền thông trong nước.

Báo China Daily của Đảng Cộng sản Trung Quốc gần đây có bài viết nói rằng Việt Nam, trong hơn một thập kỷ qua, đã sử dụng nguồn lực và vật lực “rất lớn” để phát triển lực lược dân quân biển và cảnh báo về khả năng của các cuộc đối đầu trên Biển Đông từ lực lượng “có vũ trang” này.

Phản ứng trước thông tin này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói rằng “Việt Nam hoàn toàn bác bỏ” và cho rằng nó “không đúng sự thật,” theo Tuổi Trẻ.

Theo tờ báo tiếng Anh lớn nhất của Trung Quốc, lực lượng dân quân biển của Việt Nam đóng vai trò là con mắt của hải quân và cảnh sát biển Việt Nam và thậm chí tham gia vào các cuộc đối đầu trên biển khi “không chỉ chèn ép tàu cá Trung Quốc mà còn đe doạ trực tiếp đến hoạt động và an toàn hàng hải của các tàu kiểm ngư và chấp pháp Trung Quốc.”

Tờ báo Trung Quốc còn nói rằng các ngư dân từ Trung Quốc, Malaysia và Indonesia “đã bị cướp và đe doạ bởi các tàu đánh cá nước ngoài trong vùng Biển Đông trong những năm gần đây” và rằng theo mô tả của ngư dân các nước thì những tàu đánh cá này “có vũ trang” và rất có thể là “của lực lượng dân quân biển Việt Nam.”

China Daily nhắc tới việc Quốc hội Việt Nam vào tháng 11/2009 thông qua “Luật Dân quân Tự vệ”, mà theo đó tàu đánh cá của Việt Nam khi ra khơi đánh bắt phải đi cùng với một nhóm dân quân. Tờ báo Trung Quốc cho rằng điều này đánh dấu sự chính thức hình thành của lực lượng dân quân tự vệ biển Việt Nam.

Với việc tranh chấp lãnh hải ngày càng tăng với Trung Quốc, Việt Nam, dù phủ nhận việc xây dựng lực lượng dân quân biển, đã đưa ra các kế hoạch mở rộng đội tàu cá để bảo vệ chủ quyền với một nghị quyết được Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua vào năm 2018.

Nikkei Asia hồi tháng 6 năm ngoái cũng đưa ra thông tin rằng Việt Nam đã tiến một bước mới trong việc tăng cường sự hiện diện hàng hải trong lúc căng thẳng về lãnh thổ tăng cao trên Biển Đông bằng việc thành lập một hải đội dân quân biển ở Tỉnh Kiên Giang.

Trong khi đó China Daily nhắc tới Nhà máy đóng tàu của Tập đoàn Sông Thu ở Đà Nẵng và cho rằng Việt Nam đang đóng ồ ạt các tàu cho lực lượng dân quân tự vệ biển, làm “khơi dậy sự chú ý của các nước láng giềng cũng như dư luận quốc tế.”

Một tạp chí quân sự của Trung Quốc hồi tháng 4 năm ngoái cũng nói rằng Việt Nam đang xây dựng lực lượng dân quân và tự vệ biển nhằm “thách thức những nỗ lực của Trung Quốc trong việc thống trị tuyến đường thuỷ đang có tranh chấp.”

Liên minh châu Âu ước tính rằng có khoảng 8.000 tàu đánh cá và 46.000 ngư dân là một phần của lực lượng dân quân biển Việt Nam. Trong khi đó, thống kê của một tổ chức nghiên cứu ở Trung Quốc hồi năm ngoái ước tính rằng con số ngư dân của lực lượng dân quân biển Việt Nam có thể lên đến 70.000.

Người phát ngôn của BNG ở Hà Nội hôm 21/1 nói rằng Việt Nam “kiên trì chính sách quốc phòng hoà bình và tự vệ” cũng như khẳng định rằng “hoạt động của các lực lượng chức năng Việt Nam tuyệt đối tuân theo pháp luật Việt Nam, luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982,” theo Thanh Niên.

Bà Hằng kêu gọi “các quốc gia trong và ngoài khu vực đóng góp có trách nhiệm cho mục tiêu này,” theo Người Lao Động.

VOA Express

XS
SM
MD
LG