Cảnh sát Anh ngày 22/4 buộc tội hai người đàn ông làm gián điệp cho Trung Quốc, trong đó có một người được cho là từng làm nhà nghiên cứu tại quốc hội Anh cho một nhà lập pháp nổi tiếng trong Đảng Bảo thủ cầm quyền.
Sự lo lắng đã lan rộng khắp châu Âu về hoạt động gián điệp của Trung Quốc và Anh ngày càng lên tiếng về những lo ngại của mình trong những tháng gần đây.
Hai người đàn ông 32 tuổi và 29 tuổi bị buộc tội cung cấp thông tin cho Trung Quốc gây tổn hại, vi phạm Đạo luật Bí mật Chính thức và sẽ ra tòa vào ngày 26/4.
Ông Dominic Murphy, người đứng đầu Bộ chỉ huy Chống khủng bố của Cảnh sát Thủ đô cho biết: “Đây là một cuộc điều tra cực kỳ phức tạp về những cáo buộc rất nghiêm trọng”.
Tòa đại sứ Trung Quốc tại London nói cáo buộc Trung Quốc đang tìm cách đánh cắp thông tin tình báo của Anh là “hoàn toàn bịa đặt”.
Một phát ngôn viên của đại sứ quán nói trong một tuyên bố: “Chúng tôi kiên quyết phản đối điều đó và kêu gọi phía Anh ngừng thao túng chính trị chống Trung Quốc và ngừng diễn ra trò hề chính trị tự dàn dựng như vậy”.
Một trong hai bị cáo được cảnh sát xác định ngày 22/4 là Christopher Cash.
Vào tháng 9 năm ngoái, tờ Sunday Times đưa tin ông Cash đã bị bắt vì tội làm gián điệp khi đang làm nhà nghiên cứu tại quốc hội cho nhà lập pháp Đảng Bảo thủ Alicia Kearns, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại.
Ông Christopher Cash được liệt kê trong các tài liệu của quốc hội từ đầu năm 2023 là làm việc cho bà Kearns.
Vào tháng 9, luật sư của ông đã đưa ra tuyên bố phủ nhận cáo buộc làm gián điệp mà không xác nhận danh tính thân chủ. Công ty luật này không bình luận khi được Reuters liên hệ hôm 22/4.
Ông Cash không có thông tin liên lạc công khai và không thể tiếp xúc ngay để yêu cầu bình luận.
Tháng trước, chính phủ Anh đã triệu tập đại biện của Tòa đại sứ Trung Quốc tại London sau khi cáo buộc các tin tặc được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn đánh cắp dữ liệu từ cơ quan giám sát bầu cử của Anh và thực hiện một hoạt động giám sát chống lại các nghị sĩ.
Trung Quốc phủ nhận những cáo buộc đó và gọi chúng là “hoàn toàn bịa đặt”.
Chính phủ cũng cho biết vào tháng 9 năm ngoái, các điệp viên Trung Quốc đã nhắm mục tiêu vào các quan chức Anh ở những vị trí nhạy cảm trong chính trị, quốc phòng và kinh doanh như một phần của hoạt động gián điệp ngày càng tinh vi nhằm tiếp cận các bí mật.
Trong một diễn biến khác, Đức ngày 22/4 cho biết đã bắt giữ ba người vì nghi ngờ làm việc với cơ quan mật vụ Trung Quốc để chuyển giao công nghệ có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.