Đường dẫn truy cập

Các nhà ngoại giao Mỹ và Ukraine ở Việt Nam gửi thông điệp về cuộc xâm lược của Nga


Đại biện lâm thời ĐSQ Ukraine ở Việt Nam Natalya Zhynkina (trái) và Tham tán Chính trị ĐSQ Mỹ ở Việt Nam Noah Zaring gặp nhau hôm 28/2 tại Hà Nội trong lúc Bộ Ngoại giao Việt Nam có lập trường trung lập về cuộc tấn công của Nga ở Ukraine.
Đại biện lâm thời ĐSQ Ukraine ở Việt Nam Natalya Zhynkina (trái) và Tham tán Chính trị ĐSQ Mỹ ở Việt Nam Noah Zaring gặp nhau hôm 28/2 tại Hà Nội trong lúc Bộ Ngoại giao Việt Nam có lập trường trung lập về cuộc tấn công của Nga ở Ukraine.

Đại diện các phái đoàn ngoại giao của Mỹ và Ukraine tại Việt Nam vừa gặp mặt ở Hà Nội để thảo luận về những biện pháp trừng phạt đối với Nga cũng như gửi đi thông điệp về sự đoàn kết của họ trong việc buộc Nga chịu trách nhiệm về cuộc xâm lược Ukraine.

Cuộc gặp mặt diễn ra giữa lúc Việt Nam và nhiều quốc gia Đông Nam Á đang có lập trường trung lập về chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, hiện đang bị Mỹ và các nước phương Tây lên án là một cuộc xâm lược nhưng nhận được sự ủng hộ của Trung Quốc.

Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội hôm 28/2 cho biết rằng Tham tán Chính trị Noah Zaring và các viên chức của đại sứ quán đã gặp Đại biện lâm thời Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam Natalya Zhynkina để thảo luận về “những lệnh trừng phạt toàn diện của chúng tôi đối với Nga và phiên họp đặc biệt khẩn cấp sắp diễn ra của Đại hội đồng Liên hợp quốc.”

Mỹ dẫn đầu các nước phương Tây lên án cuộc tấn công mà Nga đang thực hiện trên lãnh thổ Ukraine và đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt đối với chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin.

Phiên họp đặc biệt khẩn cấp của Đại hội đồng LHQ về Ukraine bắt đầu diễn ra hôm 28/2 tại New York, trong đó Chủ tịch Đại hội đồng Abdulala Shahid nhấn mạnh rằng chiến dịch quân sự của Nga trong 5 ngày qua là “một sự vi phạm về sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.” Tại đây Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết thường dân, gồm cả trẻ em, đã bị giết hại trong các cuộc đụng độ và kêu gọi Nga phải chấm dứt việc giao tranh ở Ukraine.

Khoảng 100 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, dự kiến sẽ bỏ phiếu cho một dự thảo nghị quyết về Ukraine vào ngày 2/3.

“Cùng với bạn bè và đối tác của mình, chúng tôi kiên quyết chặn đứng cuộc chiến tranh xâm lược của Nga tại Ukraine và buộc Nga chịu trách nhiệm cho việc xâm lược một quốc gia có chủ quyền,” ĐSQ Mỹ nói trong tuyên bố đưa ra sau cuộc gặp của các nhà ngoại giao hôm 28/2.

Việt Nam, một đối tác thân thiết của Nga, cho đến lúc này không gọi cuộc tấn công của ông Putin tại Ukraine là “xâm lược” và có lập trường chung chung đối với hành động quân sự đang bị phần lớn các nước trên thế giới lên án.

Một ngày sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói trong một tuyên bố rằng “Việt Nam hết sức quan ngại trước tình hình xung đột vũ trang ở Ukraine” và đề cập đến Hiến chương LHQ cũng như nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc “tự kiềm chế” và “đối thoại.”

Việt Nam có quan hệ ngoại giao với cả Nga và Ukraine. Tuy nhiên Hà Nội có quan hệ thân thiết hơn với Nga, xuất phát từ thời kỳ Liên bang Soviet khi Liên Xô lúc đó là nguồn cung cấp vũ khí chính cho Việt Nam trong cuộc chiến tranh với Mỹ và cũng là một nước đàn anh Cộng sản. Nga hiện vẫn là nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất sang Việt Nam, chiếm khoảng 84% nguồn cung theo giá trị từ năm 2000 đến 2009, theo thống kê do Viện Nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak công bố. Trong thời gian đại dịch COVID-19, Nga cũng cung cấp vaccine của họ sản xuất cho Việt Nam.

Bà Zhinkyna, trong cuộc phỏng vấn với VOA hôm 28/2, nói rằng bà hiểu được Việt Nam muốn giữ thế trung lập nhưng cho rằng “đây không phải là thời điểm thích hợp” để làm như vậy. Đại biện lâm thời của Ukraine kêu gọi Việt Nam “nêu đích danh kẻ xâm lược” không chỉ trong tuyên bố của BNG Việt Nam mà cả ở các diễn đàn quốc tế khác.

Singapore cho đến lúc này là nước duy nhất trong khối các quốc gia Đông Nam Á đưa ra lập trường của mình đối với cuộc tấn công của Nga ở Ukraine. Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishman hôm 28/2 nói nước này sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt và hạn chế thích hợp đối với Nga và gọi hành động xâm lược Ukraine của Nga là vi phạm trắng trợn chuẩn mực quốc tế.

Tuy nhiên, cũng giống như Việt Nam, hầu hết các quốc gia Đông Nam Á khác, gồm cả Philippines, Malaysia, Indonesia và Thái Lan, đều chỉ ngừng ở việc “quan ngại” và kêu gọi “kiềm chế.” Khối các nước ASEAN, với Campuchia hiện đang là chủ tịch luân phiên, hôm 26/2 đưa ra một tuyên bố chung, trong đó nêu ra “quan ngại sâu sắc về diễn biến tình hình và các cuộc xung đột vũ trang ở Ukraine” trong khi kêu gọi “đối thoại hoà bình.”

Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang kêu gọi các quốc gia lên tiếng phản đối cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine.

Trả lời câu hỏi của VOA hôm 28/2, Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki nói rằng Mỹ “khích lệ tất cả các quốc gia – những nước chưa lên án hành động của Nga – thay đổi đường hướng của mình."

“Đối với bất kỳ quốc gia nào, thông điệp của chúng tôi là, điều quan trọng là phải xác định – suy nghĩ về vị trí, nơi bạn muốn đứng về phía nào trong lịch sử – và đó là cách mà bạn sẽ được đánh giá về sau này,” bà Psaki, cũng là thư ký báo chí của Nhà Trắng, nói.

Myanmar là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á công khai ủng hộ cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine. Một trong những lý do mà chính quyền quân nhân Myanmar đưa ra để biện minh cho sự ủng hộ của họ là vì Nga đã giúp họ củng cố lãnh thổ của mình.

Tổng thống Biden sẽ tiếp các lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ở Washington DC vào cuối tháng này. Thủ tướng Phạm Minh Chính được cho là sẽ đại diện cho Việt Nam tới tham dự cuộc họp.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG