Đường dẫn truy cập

Cạnh tranh Mỹ-Trung mở rộng sang công nghệ sinh học, giới lập pháp Mỹ cảnh báo


Dân biểu Mike Gallagher, chủ tịch ủy ban ại Hạ viện chuyên về các vấn đề liên quan tới Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Dân biểu Mike Gallagher, chủ tịch ủy ban ại Hạ viện chuyên về các vấn đề liên quan tới Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về điều mà họ coi là việc Mỹ thất bại trong cạnh tranh với Trung Quốc về lĩnh vực công nghệ sinh học, đồng thời cảnh báo về những rủi ro đối với an ninh quốc gia và lợi ích thương mại của Hoa Kỳ. Nhưng khi sự cạnh tranh của hai nước mở rộng sang ngành công nghệ sinh học, một số người cho rằng việc cấm cửa các công ty Trung Quốc sẽ chỉ gây tổn hại cho Mỹ.

Công nghệ sinh học hứa hẹn sẽ cách mạng hóa cuộc sống hàng ngày. Các nhà khoa học và các nhà nghiên cứu sử dụng công nghệ sinh học để đạt được những tiến bộ nhanh chóng trong điều trị y tế, kỹ thuật di truyền trong nông nghiệp và các vật liệu sinh học mới. Vì tiềm năng của nó, công nghệ sinh học đã thu hút được sự chú ý của cả chính phủ Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Các dự luật đã được đưa ra tại Hạ viện và Thượng viện nhằm cấm “các công ty công nghệ sinh học đối thủ nước ngoài đáng lo ngại” kinh doanh với các nhà cung cấp dịch vụ y tế tại Mỹ được liên bang tài trợ. Các dự luật nêu tên bốn công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc.

Tòa đại sứ Trung Quốc cho biết những người đứng sau dự luật có “thành kiến về ý thức hệ” và tìm cách đàn áp các công ty Trung Quốc “với những lý do sai trái”. Tòa đại sứ yêu cầu các công ty Trung Quốc được đối xử “cởi mở, công bằng và không phân biệt đối xử”.

Cuộc tranh luận về công nghệ sinh học đang diễn ra khi chính quyền Biden cố gắng ổn định mối quan hệ Mỹ-Trung đầy biến động, vốn đang bị ảnh hưởng bởi một loạt vấn đề, bao gồm chiến tranh thương mại, đại dịch COVID-19, an ninh mạng và quân sự hóa ở Biển Đông.

Những người chỉ trích luật này cảnh báo rằng những hạn chế đối với các công ty Trung Quốc sẽ cản trở những tiến bộ có thể mang lại lợi ích lớn hơn.

Bà Abigail Coplin, phụ tá giáo sư tại Đại học Vassar, người chuyên về ngành công nghệ sinh học Trung Quốc, nói: “Trong công nghệ sinh học, người ta không thể duy trì khả năng cạnh tranh bằng cách ngăn cản những người khác”. Bà cho biết bà lo lắng rằng các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ sẽ quá bị ám ảnh bởi các ứng dụng quân sự của công nghệ này với cái giá phải trả là cản trở nỗ lực chữa bệnh và cung cấp lương thực cho dân số thế giới.

Trong thư gửi các thượng nghị sĩ bảo trợ dự luật, bà Rachel King, giám đốc điều hành của hiệp hội thương mại Tổ chức Đổi mới Công nghệ sinh học, nói luật này sẽ “gây thiệt hại đến chuỗi cung ứng phát triển thuốc cho cả các phương pháp điều trị hiện được phê duyệt và trên thị trường cũng như các quá trình phát triển trong nhiều thập niên.”

Nhưng những người ủng hộ nói rằng luật này rất quan trọng để bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ.

Ủy ban An ninh Quốc gia về Công nghệ sinh học Mới nổi, một tổ chức do Thượng viện Hoa Kỳ thành lập để xem xét ngành này, cho biết dự luật sẽ giúp bảo mật dữ liệu của chính phủ liên bang và của công dân Mỹ, đồng thời sẽ ngăn cản sự cạnh tranh không lành mạnh từ các công ty Trung Quốc.

Ủy ban cảnh báo rằng tiến bộ trong công nghệ sinh học không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn mang lại những thay đổi nhanh chóng về khả năng quân sự.

Dân biểu Mike Gallagher, chủ tịch ủy ban tại Hạ viện chuyên về các vấn đề liên quan tới Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho biết phần lớn đang bị đe dọa. Ông Gallagher đã giới thiệu phiên bản dự luật của Hạ viện và tuần trước đã dẫn đầu một phái đoàn quốc hội đến Boston để gặp gỡ các giám đốc điều hành công nghệ sinh học.

Ông Gallagher nói: “Đây không chỉ là cuộc chiến về chuỗi cung ứng hay cuộc chiến an ninh quốc gia hay cuộc chiến an ninh kinh tế; tôi cho rằng đây là một cuộc chiến về đạo đức và luân lý”. “Ngay khi lĩnh vực này tiến bộ với tốc độ chóng mặt, quốc gia chiến thắng trong cuộc đua sẽ đặt ra các tiêu chuẩn đạo đức về cách sử dụng những công nghệ này”.

Ông lập luận rằng Hoa Kỳ phải “đặt ra các quy tắc” và nếu không, “kết quả là chúng ta sẽ sống trong một thế giới kém tự do hơn, kém đạo đức hơn”.

Cả Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đều xác định công nghệ sinh học là lợi ích quốc gia quan trọng.

Chính quyền Biden đã đưa ra “cách tiếp cận toàn chính phủ” để thúc đẩy công nghệ sinh học và sản xuất sinh học thiết yếu cho sức khỏe, biến đổi khí hậu, năng lượng, an ninh lương thực, nông nghiệp và khả năng phục hồi chuỗi cung ứng.

Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch phát triển một “lực lượng công nghệ chiến lược quốc gia” về công nghệ sinh học, có nhiệm vụ tạo ra những bước đột phá và giúp Trung Quốc đạt được “độc lập về công nghệ”, chủ yếu từ Mỹ.

Ông Ray Yip, người sáng lập văn phòng Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ tại Trung Quốc, cũng lo lắng rằng sự cạnh tranh sẽ làm chậm những tiến bộ y tế.

Ông Yip nói lợi ích của việc đưa ra phương pháp chẩn đoán và điều trị tốt hơn vượt xa bất kỳ quốc gia riêng lẻ nào, “và sẽ không làm lu mờ năng lực hoặc uy tín của quốc gia khác”.

Điều khiến bà Anna Puglisi, một thành viên cấp cao tại Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi của Đại học Georgetown, lo ngại là sự thiếu minh bạch và các hoạt động thị trường không công bằng của Bắc Kinh. Bà nói: “Cạnh tranh là một chuyện. Cạnh tranh không lành mạnh là một chuyện khác”.

Bà Puglisi mô tả BGI, một công ty công nghệ sinh học lớn của Trung Quốc được xác định trong cả hai dự luật của Hạ viện và Thượng viện, là “nhà vô địch quốc gia” được nhà nước trợ cấp và đối xử ưu ái trong một hệ thống “làm lu mờ lĩnh vực công lẫn lĩnh vực tư cũng như lĩnh vực dân sự và lĩnh vực quân sự.”

Bà Puglisi nói: “Hệ thống này tạo ra sự bóp méo thị trường và phá hoại các chuẩn mực khoa học toàn cầu bằng cách sử dụng các nhà nghiên cứu, các tổ chức học thuật và thương mại để thúc đẩy các mục tiêu của nhà nước”.

BGI, vốn nhấn mạnh quyền sở hữu tư nhân của mình, chuyên cung cấp bộ dụng cụ xét nghiệm di truyền và xét nghiệm sàng lọc trước khi sinh để phát hiện hội chứng Down và các tình trạng khác. Các nhà lập pháp Hoa Kỳ nói rằng họ lo ngại những dữ liệu đó có thể rơi vào tay chính phủ Trung Quốc.

Bộ Quốc phòng đã liệt kê BGI là một công ty quân sự của Trung Quốc và Bộ Thương mại đã đưa công ty này vào danh sách đen vì lý do nhân quyền, với lý do có nguy cơ công nghệ BGI có thể góp phần vào hoạt động giám sát. BGI đã bác bỏ các cáo buộc.

Khi nêu lên mối lo ngại về BGI, Ủy ban An ninh Quốc gia về Công nghệ sinh học Mới nổi cho biết công ty này được yêu cầu chia sẻ dữ liệu với chính phủ Trung Quốc, đã hợp tác với quân đội Trung Quốc, và đã nhận được tài trợ và hỗ trợ đáng kể của nhà nước Trung Quốc.

Theo Ủy ban, các khoản trợ cấp của nhà nước đã cho phép BGI cung cấp các dịch vụ giải trình tự bộ gen với mức giá cạnh tranh, hấp dẫn các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ. Dữ liệu gen, từng nằm trong tay chính phủ Trung Quốc, “là tài sản chiến lược có ý nghĩa về quyền riêng tư, an ninh, kinh tế và đạo đức”, Ủy ban nói.

Chưa thể tiếp xúc với BGI để yêu cầu bình luận.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG