Đường dẫn truy cập

Tàu dân binh Trung Quốc cắt mặt tàu chiến Ấn Độ, Việt Nam, ASEAN diễn tập ở Biển Đông


Một tàu, nghi là tàu dân binh của Trung Quốc, đi gần tàu tuần duyên Philippines ở Biển Đông, 21/4/2023.
Một tàu, nghi là tàu dân binh của Trung Quốc, đi gần tàu tuần duyên Philippines ở Biển Đông, 21/4/2023.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Ba 9/5 bác bỏ những cáo buộc cho rằng các tàu thuyền thuộc lực lượng dân quân biển của Trung Quốc đã cố tình tiếp cận một khu vực trên Biển Đông nơi hải quân của Ấn Độ và các nước ASEAN đang diễn tập.

Một chuyên gia độc lập tại Việt Nam cho rằng Bắc Kinh dường như sử dụng lực lượng dân binh để hăm dọa và phá rối cuộc diễn tập hải quân.

“Theo như chúng tôi hiểu, các tàu nghiên cứu khoa học và đánh cá của Trung Quốc thực hiện các hoạt động sản xuất và làm việc bình thường trong các vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc trả lời khi Reuters đề nghị đưa ra bình luận.

"Thế giới bên ngoài chớ có đưa ra những lời buộc tội vô căn cứ hoặc tự nhiên gây ra rắc rối", bộ này nói thêm.

Giai đoạn diễn tập trên biển kéo dài 2 ngày trong khuôn khổ Cuộc diễn trận hàng hải ASEAN-Ấn Độ (AIME 2023) bắt đầu hôm Chủ nhật 7/5 với sự tham gia của các tàu hải quân và máy bay của Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Brunei.

Các nguồn tin Ấn Độ cho biết họ đang ở trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam khi các tàu Trung Quốc di chuyển về phía họ. Tuy nhiên, các tàu dân binh và các tàu hải quân đã cắt mặt nhau mà không có bất kỳ sự đối đầu nào, họ nói.

Các nhà chức trách Ấn Độ theo dõi được ít nhất 5 tàu dân binh di chuyển, theo các nguồn tin, họ không muốn tiết lộ danh tính vì họ không được phép phát ngôn với giới truyền thông.

Họ cho hay một tàu nghiên cứu của Trung Quốc cũng đã đi theo những tàu dân binh này tới cùng một khu vực.

Ray Powell, người đứng đầu Dự án Myoushu về Biển Đông tại Đại học Stanford, cho rằng những tàu đó thuộc hải đội dân binh Qiong Sansha Yu trong khu vực.

Lực lượng dân quân như vậy bao gồm các tàu đánh cá thương mại, họ phối hợp với chính quyền Trung Quốc vì các mục tiêu chính trị ở Biển Đông. Tuy nhiên, trong quá khứ, chính phủ Trung Quốc đã bác bỏ chuyện có bất kỳ lực lượng dân binh nào như vậy từng tồn tại.

Vân Phạm, người quản lý Dự án Đại sự ký Biển Đông (SCSCI), một tổ chức phi lợi nhuận độc lập theo dõi dữ liệu về tàu thuyền di chuyển, nói rằng đây không phải là lần đầu tiên "cái gọi là tàu cá" của Trung Quốc xuất hiện và hăm dọa tàu chiến của các nước khác.

"Vì vậy, có khả năng là cuộc diễn tập đã bị gián đoạn... hình thái di chuyển đã bị phá vỡ và một số tàu phải thay đổi hướng đi của họ", bà nói với Reuters.

Bà Vân Phạm cho hay tàu nghiên cứu Xiang Yang Hong 10 của Trung Quốc đã tiến lại gần tàu chiến của Việt Nam tham gia diễn tập, có lúc chỉ cách khoảng 16 kilomet.

Đây là cuộc diễn tập hàng hải ASEAN-Ấn Độ đầu tiên (AIME-2023), do hải quân Ấn Độ và Singapore đồng đăng cai.

(Reuters)

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG