Đường dẫn truy cập

Tổng thống Biden sắp thăm Việt Nam, người Việt ở Mỹ nghĩ gì?


Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đến Hà Nội vào Chủ nhật ngày 10 tháng 9 sau khi rời Ấn Độ, nơi ông tham dự hội nghị G20 cùng các nhà lãnh đạo khác trên thế giới.
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đến Hà Nội vào Chủ nhật ngày 10 tháng 9 sau khi rời Ấn Độ, nơi ông tham dự hội nghị G20 cùng các nhà lãnh đạo khác trên thế giới.

Chuyến đi Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào cuối tuần này, có phần chắc sẽ chứng kiến sự nâng cấp quan hệ ngoại giao của hai nước, được những người gốc Việt ở Mỹ hoan nghênh là một bước cần thiết để củng cố vị thế của Việt Nam trước nước láng giềng Trung Quốc ngày càng lấn lướt và quyết đoán. Nhưng họ cũng kêu gọi Mỹ chú ý nhiều hơn đến vấn đề nhân quyền khi Hà Nội hưởng lợi từ mối quan hệ nồng ấm hơn với Washington.

Ông Biden sẽ đến Hà Nội vào Chủ nhật ngày 10 tháng 9 sau khi rời Ấn Độ, nơi ông tham dự hội nghị G20 cùng các nhà lãnh đạo khác trên thế giới, theo lịch trình chính thức được Tòa Bạch Ốc công bố. Tại Hà Nội, ông dự kiến sẽ được Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tiếp đón và hai nhà lãnh đạo sau đó sẽ tham gia một cuộc họp cao cấp.

Tin tức trong những tuần qua cho biết rất có thể quan hệ giữa hai nước sẽ được nâng cấp từ “đối tác toàn diện” lên mức “đối tác chiến lược toàn diện.” Sự thay đổi này đánh dấu bước nhảy vọt đáng kể trong quan hệ giữa hai nước từng là cựu thù thời Chiến tranh Việt Nam, đặt Mỹ lên ngang bằng với các nước mà Việt Nam có quan hệ hữu hảo truyền thống là Trung Quốc và Nga.

Cả Washington và Hà Nội chưa chính thức xác nhận bước đi này. Bộ Ngoại giao Việt Nam nói các chuyến thăm cao cấp “sẽ làm sâu sắc hơn nữa” quan hệ của hai nước trong khi Tòa Bạch Ốc cho biết trong một thông cáo rằng hai nhà lãnh đạo “sẽ khám phá những cơ hội” để thúc đẩy phát triển trong nhiều lĩnh vực hợp tác.

Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh căng thẳng âm ỉ ở Biển Đông, nơi mà Việt Nam và Trung Quốc có những tuyên bố tranh chấp chủ quyền lãnh hải chồng chéo. Việt Nam tuần trước lên án việc tàu hải cảnh của Trung Quốc xịt vòi rồng gây thương tích cho các ngư dân Việt Nam đánh bắt trong vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa.

“Về phương diện chiến lược bang giao quốc tế, việc nâng cấp quan hệ rất là cần thiết để ngăn chặn sự hung hăng của Trung Quốc,” bác sĩ Đỗ Văn Hội, người giữ vai trò cố vấn của Cộng đồng Người Việt Quốc gia Liên bang Hoa Kỳ, nói từ Orlando, bang Florida. Ông dẫn ra một ví dụ là việc Trung Quốc gần đây công bố một bản đồ gây tranh cãi, thu hút sự phản đối không chỉ từ các nước láng giềng ở khu vực Đông Nam Á mà còn cả từ Ấn Độ và Nga.

Đồng quan điểm, ông Tạ Trung, một trong những người từng được đội ngũ của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tham khảo ý kiến trước chuyến công vào năm 2021 của bà sang Việt Nam, nói chuyến đi lần này của ông Biden cho thấy thời điểm đã chín muồi cho việc nâng cấp quan hệ so với hai năm trước khi bà đưa ra lời kêu gọi trong cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Trung Quốc là nhân tố chính thúc đẩy sự dịch chuyển này, ông Trung nhận định.

“Trong mười mấy, hai chục năm gần đây kinh tế của Trung Cộng rất là hùng mạnh cũng như họ phát triển rất lớn về vấn đề quốc phòng thì họ càng hung hăng hơn nữa với những quốc gia láng giềng ví dụ như Việt Nam,” ông Trung nói từ bang California. “Việt Nam muốn có sự cân xứng thì họ phải cần một cái cường quốc nào đó để tạo một thế chân vạc để họ có thể có tiếng nói mạnh hơn. Tôi nghĩ đó là một trong những lý do mà Việt Nam cần sự hỗ trợ của Hoa Kỳ.”

Các nhà quan sát nhận định việc nâng cấp quan hệ với Mỹ lên mức cao nhất là một bước đi hệ trọng vì Việt Nam xem Trung Quốc là một mối “đe dọa chiến lược” và rằng quan hệ gần gũi hơn với Mỹ và các nước cùng chí hướng là điều cần thiết để duy trì sự tự chủ.

Đối với Washington, thắt chặt quan hệ với Việt Nam là một mục tiêu quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng lớn hơn của Mỹ nhằm đối chọi sức ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh trong khu vực vốn đang thách thức vị thế truyền thống của Mỹ.

Việc nâng cấp quan hệ mở ra những cơ hội mới cho cả hai nước nhưng cũng làm nổi bật những thách thức mà lâu nay vẫn cản trở mối quan hệ của hai nước tiến xa hơn, nhân quyền là một trong số đó.

Ca sĩ Mai Khôi, một trong những nhà hoạt động từng được cựu Tổng thống Barack Obama mời gặp mặt trò chuyện khi ông đến thăm Việt Nam vào năm 2016, nói tình hình nhân quyền ở Việt Nam đã trở nên xấu đi thấy rõ trong những năm gần đây, lưu ý rằng hầu hết các nhà hoạt động đã bị bắt giữ và thậm chí là cả những người vận động cho môi trường. Bản thân cô đã từng bị nhà chức trách Việt Nam đe dọa bắt giữ và điều đó đã góp phần khiến cô quyết định phải rời khỏi Việt Nam, cô nói.

“Tổng thống Biden lần này về Việt Nam dù là trong một thời gian ngắn nhưng phải nhắc đến tình hình nhân quyền ở Việt Nam, phải ít nhất gặp gỡ những đại diện xã hội dân sự ở Việt Nam để khuyến khích phong trào này,” cô nói từ thành phố Pittsburgh ở bang Pennsylvania.

“Việc bên phía Mỹ có thỉnh thoảng tuyên bố hay là đưa ra những quan ngại về tình hình nhân quyền Việt Nam chỉ là ngoại giao thôi. Mình rất là phê bình nếu như Mỹ không có động thái nào mạnh mẽ hơn [trong chuyến thăm này] so với đợt Tổng thống Obama đến thăm,” ca sĩ Mai Khôi nói thêm.

“Nếu như Mỹ không lên tiếng mạnh mẽ hơn thì chính quyền Việt Nam sẽ thấy họ vẫn có thể vẫn tiếp tục bắt bớ các nhà hoạt động, vẫn tiếp tục bóp nghẹt tự do dân chủ, vẫn bóp nghẹt tự do ngôn luận, vẫn chơi được với Mỹ.”

Một bức thư chung được 61 gia đình tù nhân lương tâm ở Việt Nam đồng kí tên hôm 1/9 kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden hối thúc Việt Nam phóng thích những người hiện đang bị giam giữ, cho họ được chăm sóc y tế đầy đủ, và chấm dứt việc dùng họ như “hàng mặc cả” trong các cuộc thương lượng.

Theo thống kê của tổ chức nhân quyền The 88 Project có trụ sở tại Mỹ, Việt Nam hiện đang giam cầm 193 nhà hoạt động.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nhận định hồ sơ nhân quyền của Việt Nam “bi đát ở gần như khắp các mặt,” với những quyền căn bản như tự do ngôn luận và tự do hội họp bị “hạn chế trầm trọng.”

Nhà chức trách Việt Nam luôn bác bỏ những cáo buộc vi phạm nhân quyền, nói rằng họ chỉ bắt giữ những người vi phạm pháp luật Việt Nam. Các quan chức Mỹ nói rằng họ có nêu lên những quan ngại về nhân quyền với phía phía Việt Nam nhưng làm điều đó một cách “lặng lẽ, có phần nể nang.”

Ông Tạ Trung, một người ủng hộ Tổng thống Biden và từng giữ vị trí chủ tịch toàn quốc của nhóm Người Mỹ gốc Việt ủng hộ Biden trong cuộc vận động tranh cử tổng thống năm 2020, dự đoán ông Biden có phần chắc sẽ nêu lên vấn đề nhân quyền trong cuộc hội đàm với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhưng cách đặt vấn đề có thể “nhẹ nhàng hơn chút xíu” để thuyết phục Việt Nam có những cải thiện.

“Dĩ nhiên chế độ cộng sản luôn luôn đàn áp những người chống đối họ nhưng tôi hy vọng rằng vấn đề này sẽ giảm hơn qua sự lên tiếng của Tổng thống Biden hy vọng sẽ có trong chuyến đi này, hoặc của các vị lãnh đạo Hoa Kỳ trong thời gian tới,” ông nói.

Bác sĩ Đỗ Văn Hội thì tỏ ra kém lạc quan hơn về triển vọng Việt Nam cải thiện nhân quyền ngay cả khi quan hệ hai nước được nâng lên cấp độ cao hơn.

“Dĩ nhiên là chúng ta cần phải đòi hỏi tới mức nào hay mức đó, nhưng mà tôi không nghĩ rằng là chế độ cộng sản Việt Nam họ có thể thay đổi gì nhiều. Chắc chắn là họ có đấy, nhưng chỉ là một cái trao đổi nào đó, tức là thả một người,” ông nhận xét.

“Mỗi lần có chuyện gì đó thì họ thả một người. Thả một người không có nghĩa rằng họ đã có tinh thần tôn trọng nhân quyền mà chỉ vì vấn đề trao đổi mà thôi.”

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG